Bạn đang quan tâm đến việc mở rộng khu vực phát sóng wifi? Vì giải pháp xuyên tường không hiệu quả?
Vậy bạn nên tìm hiểu kỹ bài viết này. Chúng tôi đã dành hơn 1 tuần để tìm hiểu và viết ra nó. Chúng tôi đã đọc hàng ngàn đánh giá tại Tinhte, Voz, Tiki, Lazada. Chúng tôi cũng đã từng sử dụng hơn 10 thiết bị kích sóng wifi khác nhau trong hơn 2 năm.
Và hy bài này sẽ có thể trả lời chi tiết nhất các câu hỏi như: Bộ kích sóng wifi nào tốt? Hãng nào tốt nhất? Mẫu mã nào phù hợp với bạn?
Hãy cùng bắt đầu nhé
Nội dung
- 1 Top 7 Hãng bộ kích sóng wifi tốt nhất
- 2 Repeater wifi là gì? Tác dụng?
- 3 Các loại bộ kích sóng wifi
- 4 5 Yếu tố chọn mua bộ kích sóng wifi
- 5 Câu hỏi thường gặp
- 6 Lưu ý khi sử dụng bộ kích sóng wifi
- 7 Tổng kết
Top 7 Hãng bộ kích sóng wifi tốt nhất
1. Bộ kích sóng wifi Xiaomi
Xiaomi là cái tên quá quen thuộc trên thị trường công nghệ. Mặc dù có là tên tuổi mới trên thị trường thiết bị mạng nhưng họ đã phát triển ngang tầm thậm chí vượt các tên tuổi lâu đời hơn như TP-Link, D-Link, Linksys (dựa trên mức độ quan tâm của người tiêu dùng).
Bộ kích sóng wifi Xiaomi được sản xuất tại Trung Quốc, bảo hành 3 đến 12 tháng. Lưu ý rằng có các sản phẩm bán bởi nhà phân phối chính hãng, và cũng có nhiều sản phẩm nhập không chính hãng (dạng xách tay).
Thiết bị kích sóng Wifi Xiaomi (Gen 2)
Đây là chiếc Repeater Wifi có thiết kế siêu nhỏ gọn mà giá lại rẻ nên được nhiều người lựa chọn.
Các đánh giá của người sử dụng về Xiaomi Gen 2 thì cơ bản là có chất lượng chỉ ở mức khá ổn, có nghĩa là phù hợp khi bạn dùng các nhu cầu kết nối mạng căn bản. Còn bạn muốn tốc độ nhanh thì nó không đáp ứng được so mức suy hao là đáng kể so với mạng wifi gốc.
Một số nhược điểm khác của Gen 2 là không có khả năng phát sóng xa, cài đặt có phần khó nếu bạn không biết gì về công nghệ, tản nhiệt kém – bị nóng nên nếu dùng quá lâu sẽ làm giảm hiệu năng.
Giá tham khảo: 150.000Đ.
Kích sóng Wifi không dây Xiaomi Repeater Pro
Khắc phục một số điểm yếu của Gen 2, Xiaomi đã có bản Repeater Pro, với giá thành cao hơn một chút. So với Gen 2 thì bản Pro có kích thước lớn hơn, có 2 râu anten thò ra ngoài giúp thu phát sóng tốt hơn (40 m2). Ngoài ra, bộ sạc cũng đã được tích hợp vào trong thiết bị nên bạn không phải mang theo cục sạc như với Gen 2.
Xiaomi Repeater Pro mặc dù mạnh hơn Gen 2 nhưng cơ bản thì nó vẫn là thiết bị ở phân khúc phổ thông. Bạn nên mua nếu thích thiết kế đẹp, khu vực phát sóng không quá rộng.
Giá tham khảo: 250.000Đ
Hướng dẫn kết nối kích sóng Mi Wifi Repeater Pro Xiaomi trên Hệ điều hành iOS (iPhone):
2. Bộ kích sóng wifi Mercury
Mercury là hãng Repeater wifi giá rẻ khác mà bạn có thể lựa chọn, với mẫu mã rẻ nhất chỉ hơn 100 nghìn đồng. Họ có một số mẫu mã đa số đều là có râu nên khả năng thu sóng wifi khá tốt.
Bộ kích sóng wifi Mercury được giới thiệu là tốc độ 300Mbps, tuy nhiên thực tế không bao giờ có thể đạt được tốc độ này (giống như các hãng khác). Tốc độ truy cập mạng nhanh hay chậm phụ thuộc vào khoảng cách và tốc độ của mạng wifi nguồn.
Nhiều người so sánh bộ kích sóng Mercury so với Xiaomi. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo chúng tôi thì:
- Mercury giá rẻ hơn so với Xiaomi
- Mercury thiết kế cơ bản là không đẹp bằng Xiaomi (nhưng còn tùy mỗi người nhận xét. Quan điểm về thiết kế đẹp của mỗi người là khác nhau)
- Khả năng thu sóng và phát sóng wifi thì Mercury cơ bản là được đánh giá cao hơn Xiaomi.
Bộ kích sóng Mercury cũng được sản xuất ở Trung Quốc, thời hạn bảo hành chỉ 1-3 tháng.
Một số mẫu mã bán chạy của Mercury đó là:
- Bộ thiết bị kích sóng wifi Mercury MW301RE
- Bộ thiết bị kích sóng wifi Mercury 2 râu MW302RE
- Thiết bị kích sóng Wifi Mercury 3 râu MW310RE
Hướng dẫn cài đặt bộ kích sóng wifi Mercury:
3. Bộ kích sóng wifi TP-Link
Là một tên tuổi quen thuộc trên thị trường thiết bị mạng, đương nhiên TP-Link cũng có các bộ kích sóng wifi. Các bộ kích sóng wifi của TP-Link có giá từ khoảng 250 nghìn đồng, thời hạn bảo hành 1-2 năm. Đặc biệt là tất cả đều được trang bị cổng LAN giúp bạn biến sóng wifi thành mạng dây nhằm cấp mạng cho máy tính để bàn.
Theo những gì chúng tôi tổng hợp được thì bộ kích sóng wifi TP-Link được đánh giá cao ở độ bền và khả năng thu sóng wifi. Mặc dù vậy, tốc độ khi phát wifi bị đánh giá là kém hơn một chút so với mạng wifi gốc, nhất là khi đặt ở vị trí xa.
Bộ tiếp nối sóng Wifi TP-Link TL-WA850RE 300Mbps
Đây là thiết bị tiếp nối sóng wifi được nhiều người chọn mua trong một thời gian dài. Điều đó đến từ sự phổ biến của thương hiệu TP-Link, khi chúng ta đã sở hữu Router wifi của họ thì có lẽ bạn cũng muốn mua thiết bị kích sóng cùng hãng.
WA850RE có một số ưu điểm như là wifi chuẩn N tốc độ 300Mbps. Nó có khả năng khi nhớ mạng không dây đã từng được kết nối, vì thế mà chúng ta không cần reset thì thay thế router wifi. Chức năng hẹn giờ cũng là điểm nhấn của thiết bị này.
Điểm hạn chế của WA850RE là có thể xảy ra tình trạng rớt mạng. Tất nhiên còn tùy khoảng cách và tùy vào từng mẫu mã cụ thể mà bạn nhận được.
Tổng quan thì WA850RE nhận điểm 4.2/5 trong tổng số 362 đánh giá tại Lazada.
Giá tham khảo: 280.000Đ
Hướng dẫn sử dụng bộ kích sóng wifi TP-Link WA850RE:
Bộ tiếp nối sóng Wifi TP-Link TL-WA855RE Chuẩn N 300Mbps
So với 850 thì bản 855 có 2 râu cho khả năng thu phát sóng tốt hơn, khả năng tản nhiệt tốt hơn nên nó chạy trong thời gian dài ổn định hơn.
Đổi lại thì TL-WA855RE cũng có giá thành cao hơn.
Giá tham khảo: 400.000Đ
Ngoài hai mẫu mã trên thì TP còn một số mẫu mã khác như là WA820RE WA860RE, RE200, WN722N.
4. Bộ kích sóng wifi Tenda
Tenda cũng là thương hiệu thiết bị mạng quen thuộc và có uy tín tương đối tốt trên thị trường. Giải pháp mở rộng sóng wifi của Tenda có hai dạng nổi tiếng nhất là Thiết bị A9 và Bộ cái Mesh Tenda Nova (NW6, NW3, NW2). Ngoài ra họ có một số mẫu mã khác như A301, N300, N301, A6, A12.
Bộ kích sóng wifi Tenda A9
Đây là bộ kích sóng wifi nổi tiếng nhất của Tenda hiện nay. Nó đáp ứng được nhiều tiêu chí như giá thành rẻ, phát sóng tốt.
Theo tổng hợp đánh giá về Tenda A9 từ diễn đàn chuyên về đồ công nghệ Tinhte, thì các ưu, nhược điểm của nó như sau:
Ưu điểm
- Thiết kế khá đẹp mắt
- Chống nhiễu sóng tốt nhờ Anten bảng mạch
- Trang quản lý với nhiều tính năng, ví dụ chặn truy cập, đổi tên/mật khẩu, ẩn tên wifi
- Khi đổi bắt sóng wifi khác thì không cần reset do có trang redirect để quản lý
- Bảo hành 3 năm
Nhược điểm
- Không có cổng LAN RJ45
- Anten 3dBi, khả thấp
- Công suất phát wifi không thuộc nhóm mạnh
Trải nghiệm bộ kích sóng wifi Tenda A9:
5. Bộ kích sóng wifi Totolink
Nói về Totolink có lẽ chỉ cần nói đến EX200 là đủ, bởi vì đó là mẫu mã được nhiều người quan tâm nhất. Mặc dù hãng cũng có các mẫu mã khác như EX750, EX300, EX201, EX100.
Bộ kích sóng wifi Totolink EX200
Totolink EX200 được nhiều người chọn mua và có khá nhiều người ca ngợi thiết bị này. Điểm đánh giá là 4/5* trong số hơn 400 đánh giá tại Tiki. Tuy vậy, không phải nó chỉ có ưu điểm mà không có nhược điểm nào.
Ưu điểm
- Anten 4dBi
- Phạm vi phát xa hơn so với Tenda A9
- Có cổng LAN
Nhược điểm
- Hay bị hiện tượng chậm chờn mạng, nhất là sau một thời gian sử dụng. Mặc dù điều này không đúng với tất cả mẫu mã
- Muốn bắt sóng wifi khác thì phải reset
Giá tham khảo: 200.000Đ.
Hướng dẫn cài đặt Totolink EX200:
6. Bộ kích sóng wifi Linksys
Linksys có một điểm nhấn so với các hãng trên đó là thương hiệu của Mỹ (mặc dù cũng là sản xuất ở Trung Quốc). Dính dáng tí US vào nên giá thành của họ cũng cao hơn hẳn, rẻ nhất khoảng 900 nghìn còn cao là hơn 2 triệu. Với nhiều người thì mức giá này là quá cao cho một chiếc Repeater, và điều đó khiến thiết bị kích sóng Wifi của Linksys không phổ biến.
Theo trải nghiệm thì giá cao nhưng Linksys cũng chưa thực sự vượt trội về mặt chất lượng so với các mẫu giá rẻ đã nêu ở trên. Có chăng là tính ổn định tốt hơn, ít bị lỗi hơn, độ bền có thể sẽ tốt hơn.
Các thiết bị kích sóng wifi nổi tiếng của Linksys là RE3000W, RE4100W, RE6400.
7. Bộ kích sóng wifi D-Link
D-link có một số mẫu mã thiết bị kích sóng wifi có thiết kế khá tương tự nhau là DAP-1325, DAP-1330, DAP-1620. Trong đó, DAP-1620 là bộ phát sóng wifi băng tần kép (2.4Ghz và 5.0 Ghz), có giá khoảng hơn 1 triệu đồng.
Điểm mạnh của D-Link là bảo hành 2-3 năm. Điểm hạn chế là không được sử dụng phổ biến.
Ngoài 7 hãng nêu trên thì chúng ta còn biết đến một số đơn vị khác nữa như: Buffalo (WA1100, WHR-300), Asus (RP-N12), Pixlink, Aztech
Repeater wifi là gì? Tác dụng?
Bộ kích sóng wifi (Repeater Wifi) hay còn đươc gọi là Bộ khuếch đại sóng wifi, bộ mở rộng sóng wifi (Wifi Extender), là thiết bị giúp chúng ta mở rộng khu vực phát sóng wifi. Một số tình huống sử dụng phổ biến như cung cấp sóng wifi cho các phòng khác nhau, hoặc khi chúng ta muốn dùng sóng wifi của hàng xóm. Bởi vì điểm chúng ta muốn dùng sóng wifi quá yếu nên bộ kích sóng sẽ có tác dụng thus au đó phát lại mạnh hơn.
Như vậy, thiết bị kích sóng wifi phải có khả năng thu sóng wifi tốt hơn thiết bị đầu cuối thông thường (điện thoại, máy tính), hai là có khả năng phát lại sóng wifi đủ mạnh để các thiết bị có thể kết nối vào nó.
Các loại bộ kích sóng wifi
Chúng tôi tạm chi làm các nhóm sau:
- Bộ kích sóng wifi chỉ có chức năng phát sóng wifi
- Bộ kích sóng wifi vừa phát sóng wifi, vừa có cổng LAN
- Bộ kích sóng wifi kiêm thiết bị phát sóng từ SIM 4G/3G
- Bộ kích sóng wifi kiêm Router Wifi.
Căn cứ vào nhu cầu cụ thể mà bạn có thể chọn mua 1 trong 4 loại trên.
5 Yếu tố chọn mua bộ kích sóng wifi
1. Giá thành
Số tiền bạn sẵn sàng chi trả chính là yếu tố đầu tiên cần tính tới khi mua bộ kích sóng wifi. Theo chúng tôi thì có các phân khúc sau:
- Loại siêu rẻ giá khoảng trên dưới 100 nghìn đồng: các mẫu mã này cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu mở rộng vùng phủ sóng wifi. Nhưng bạn phải sẵn sàng với tình huống mạng không ổn định, và tỉ lệ sản phẩm lỗi có thể cao
- Loại giá rẻ 200-300 nghìn đồng: đây chính là phân khúc giá được nhiều người lựa chọn nhất. Có thể tạm gọi là vừa rẻ vừa tốt, mặc dù không thể so với các mẫu mã đắt tiền nhưng bạn có thể không cần nhiều chức năng hơn là tăng cường sóng wifi.
- Loại giá 300 nghìn đồng trở lên: bạn có rất nhiều lựa chọn trong phân khúc giá này. Thường thì bạn sẽ có các mẫu mã có nhiều chức năng.
2. Phạm vi phát sóng
Theo nguyên tắc thì bạn càng cần phủ sóng rộng thì càng nên mua bộ kích sóng phát được rộng. Mà muốn phát rộng thì cần anten dạng rời càng nhiều càng tốt, 1-2-3 hay thậm chí là 4 râu, mà râu càng dài càng tốt. Mặc dù không phải cứ nhiều râu và cứ dài là phát được xa hơn, nhưng cơ bản là như vậy.
3. Tốc độ
Tốc độ của thiết bị mở rộng sóng wifi thường được quyết định bởi 2 yếu tố:
- Chuẩn hỗ trợ: Chuẩn 802.11g, n hoặc ac. Trong đó, ac là chuẩn mới nhất, tốc độ nhanh nhất nhưng chưa có trên các thiết bị Repeater wifi tại Việt Nam. Phổ biến nhất vẫn là chuẩn n.
- Băng tần: phổ biến vẫn là băng tần 2.4 Ghz. Một số thiết bị có băng tần kép, tức là cả băng tần 5 Ghz (băng tần tốc độ cao nhưng không có khả năng phát xa như 2.4 Ghz)
4. Chức năng
Chức năng được nhiều người quan tâm hơn cả là có cổng mạng LAN hay không? Nếu bạn muốn chuyển đổi mạng không dây thành mạng có dây thì bắt buộc phải mua thiết bị có cổng này. Bên cạnh đó là chức năng hẹn giờ, chức năng nhớ mạng kết nối.
5. Bảo hành
Có một số thiết bị thời hạn bảo hành chỉ là 1 tháng, thậm chí cùng một mẫu mã nhưng có nơi bảo hành 1 tháng, nơi khác bảo hành 3 tháng. Điều đó cho chúng ta thấy rằng bạn phải xem xét kỹ vấn đề bảo hành ngay từ lúc tìm mua sản phẩm. Nếu không thì có thể gặp tình trạng hỏng mà không thể bảo hành.
Câu hỏi thường gặp
Mua bộ kích sóng wifi ở đâu giá rẻ?
Bộ kích sóng wifi thường được bán ở các cửa hàng chuyên về máy tính – phụ kiện máy tính. Hoặc các cửa hàng đồ điện tử – điện thoại nói chung cũng có bán.
Nếu bạn muốn mua online thì cũng có nhiều địa chỉ khác nhau. Mua tại Lazada, Tiki sẽ rẻ hơn tại VienthongA, Thegioididong hay FPT Shop. Nhưng đổi lại dịch vụ khách hàng tại Tiki, Lazada cơ bản là kém hơn, vì nó phụ thuộc vào việc bạn mua của đơn vị nào bán trên đó.
Bộ kích sóng wifi có tốt không? Khi nào cần mua?
Nhiều người thấy băn khoăn liệu bộ kích sóng wifi có giúp họ truy cập mạng nhanh hơn hay không. Điều này còn tùy thuộc vào vị trí lắp đặt và thiết bị bạn mua là thiết bị nào, có tốt hay không.
Nếu trên điện thoại còn 2-3 vạch sóng thì chưa cần thiết mua bộ kích sóng, vì bạn vẫn có thể truy cập mạng được. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhiều thiết bị kết nối vào mạng wifi thì vẫn có thể mua.
Nếu chỉ có một vạch, thi thoảng 2 vạch, thi thoảng mất sóng thì bộ kích sóng wifi sẽ phát huy tác dụng của nó. Bởi vì bộ kích sóng thường bắt sóng wifi khỏe hơn điện thoại, máy tính, qua đó nó sẽ giúp bạn co sóng khỏe hơn, truy cập nhanh hơn.
Ngoài ra, một số mẫu mã Router wifi hoặc bộ phát wifi 4G/3G cũng có thể hoạt động như một chiếc Repeater wifi. Bạn có thể mua thiết bị như vậy để sử dụng đa năng, hoặc có rồi thì không cần mua thêm nữa.
Bộ kích sóng wifi nào mạnh nhất?
Bộ kích sóng wifi mạnh nhất hiện nay là thiết bị có khả năng phát sóng wifi băng tần 5 GHz, tốc độ tối đa hơn 1300Mbps. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn phát wifi cũng phải mạnh thì mới cần bộ kích sóng thực sự mạnh.
Bộ kích sóng wifi nào xuyên tường tốt?
Thông thường, các bộ kích sóng wifi có anten dạng râu sẽ cho khả năng xuyên tường tốt. Tuy vậy, bạn cũng không nên quá kỳ vọng vào khả năng xuyên tường của các thiết bị phát sóng wifi nói chung. Thường thì sóng chỉ khỏe khi xuyên qua 1 lớp tường, còn nhiều hơn thì có thể còn sóng hoặc không.
Thiết bị kích sóng wifi nào có cổng LAN?
Có khá nhiều thiết bị được trang bị cổng LAN như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Lưu ý khi sử dụng bộ kích sóng wifi
- Nếu bắt sóng wifi từ vị trí xa, ví dụ như nhà hàng xóm không sát vách hoặc từ quán café, thì bạn nên đặt ở vị trí giúp cho bộ kích sóng thu được sóng wifi tốt nhất. Bởi khi nó thu được sóng wifi tốt thì mới có khả năng phát lại sóng Internet wifi mạnh
- Nếu nhà nhiều tầng thì vị trí đặt bộ kích sóng thích hợp nhất là ở cầu thang. Đây là vị trí giúp nó bắt sóng wifi tốt và vẫn phát được vào trong phòng ở cùng tầng đó.
- Nếu ở nhà chung cư thì vị trí thích hợp là cửa phòng ngủ hoặc vị trí có thể phát đến các cửa phòng tốt nhất.
Tổng kết
Bộ kích sóng wifi là thiết bị cần thiết trong rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như nhà nhiều tầng, bắt sóng wifi từ hàng xóm, quán café. Căn cứ vào nhu cầu cụ thể và túi tiền của bạn thì sẽ xác định được thiết bị kích sóng wifi nào tốt nhất. Hy vọng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích qua bài viết này.